Thạch cao có độc hay không?
Có thể trả lời ngay: Không độc hại. Bởi tấm thạch cao không chứa hỗn hợp Ami-ăng và chất gây ung thư. Ngay cả trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra, tấm thạch cao không sản sinh ra khí độc hại. Vì vậy, tấm thạch cao là một vật liệu “xanh” ứng dụng trong ngành xây dựng, bảo đảm cho môi trường sạch và an toàn.
Thạch cao có từ thời Ai Cập cổ đại
Nguồn gốc thạch cao tồn tại trong lớp bùn trầm tích sau khi nước biển bay hơi. Tên gọi gymsum (tiếng Anh) – thạch cao có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (mang nghĩa động từ là “đốt” hay “nấu”). Lịch sử sử dụng thạch cao được bắt đầu cách đây 5.000 năm, từ thời Ai Cập cổ đại, nơi mà các đặc tính của thạch cao đã được khám phá. Chúng ta biết rằng cách đây 5.000 năm, người Ai Cập đã biết đốt hở thạch cao trên lửa, sau đó nghiền thành bột và trộn bột này với nước để làm vật liệu trám trét giữa các khối đá trong lăng mộ; chứng tích còn lưu dấu ở kim tự tháp vĩ đại Cheops. Người Hy Lạp cũng sử dụng thạch cao trong các đền đài của họ. Tác giả Theophraster (372-287 trước CN) đã mô tả khá đầy đủ cách sản xuất bột thạch cao thời điểm đó ở Syria và Phoenicia.
Người La Mã đã đúc hàng ngàn bản sao các bức tượng Hy Lạp bằng thạch cao. Năm 1775, người Pháp – Lavoisier đã tìm ra công thức hóa học của thạch cao là CaSO4.2H2O. Việc phát hiện ra thành phần thạch cao gồm muối canxi sunfat ngậm 2 phân tử nước đã mở đường cho sự phát triển công nghiệp thạch cao. Vào năm 1888, hãng Sackett Hoa Kỳ phát minh ra máy sản xuất tấm thạch cao; năm 1901, nhà máy sản xuất tấm thạch cao đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Hoa Kỳ. Ngày nay, bột thạch cao được ứng dụng rộng rãi trong các sinh hoạt hàng ngày của chúng ta và các lĩnh vực khác như công nghiệp sản xuất tấm thạch cao không độc hại – nguồn vật liệu xanh, sạch trong xây dựng và môi trường sống.
Ứng dụng thạch cao đa dạng trong đời sống
Đá thạch cao (khoáng thạch cao) là khoáng vật trầm tích hay phong hóa rất mềm (CaSO4.2H2O). Thạch cao tự nhiên này được khai thác từ mỏ dưới dạng các tảng đá tựa như đá vôi. Nguồn khoáng thạch cao có khắp nơi trên thế giới, ở Đông Dương, Lào là nước có trữ lượng lớn nhất. Để làm bột thạch cao, người ta cho khoáng thạch cao vào lò nung nhiệt độ cao, khoảng 150 độ C để làm mất nước; sau đó đem nghiền thành bột thạch cao. Dùng bột thạch cao trộn với nước ta có vữa thạch cao. Vữa thạch cao đông rắn trong khoảng từ 3-5 phút. Thời gian đông kết cũng như độ cứng của vữa phụ thuộc tỉ lệ nước còn lại trong bột thạch cao trong quá trình nung khoáng thạch cao.
Người ta dùng vữa thạch cao trong y tế; trong mỹ nghệ (khuôn đúc, phôi xi mạ…); trong việc tạo hình, đổ khuôn, đúc tượng của ngành điêu khắc (đúc nhựa, đồng, làm gạch men, sứ, gốm…); ứng dụng trong xây dựng như vách ngăn, tường, trần, phun tạo bề mặt tường; làm những chi tiết công trình kiến trúc (trần, phào, chỉ, hoa văn…). Và ngay cả điều chế thiết bị lọc nước, chất lỏng trong gia dụng và công nghiệp. Tất cả những ứng dụng đó đã minh chứng cho thấy thạch cao không độc hại, thân thiện với môi trường cũng như an toàn cho sức khỏe con người.
Ngày nay, thạch cao là nguyên liệu tự nhiên phổ biến trong các kiến trúc hiện đại có mặt khắp nơi trên thế giới. Tấm thạch cao là vật liệu phổ biến làm tường, vách ngăn và trần thạch cao trong xây dựng và trang trí nội thất. Trong lõi tấm thạch cao là 100% thạch cao tự nhiên, thêm và gia cố một số phụ gia, nguyên liệu như tinh bột, sợi thủy tinh, K2SO4 để có thể cho ra những tấm thạch cao chuyên dụng như tấm thạch cao tiêu chuẩn, tấm thạch cao chịu lửa, tấm thạch cao chống ẩm, tấm thạch cao cách nhiệt, tấm thạch cao tiêu âm và trang trí…
Phân biệt thạch cao ăn được và thạch cao xây dựng
Thạch cao có loại dùng được trong thực phẩm, dược phẩm…, thường được gọi là thạch cao phi, Chẳng hạn, thạch cao phi bán ở các tiệm thuốc bắc ở đường Hải Thượng Lãn Ông, TP.HCM, thầy thuốc ở các tiệm này cho rằng, thạch cao phi sử dụng như là chất bán dẫn đi kèm với những bài thuốc trị tiểu đường, huyết áp thấp, có tác dụng làm mát. Ngay cả, thạch cao phi có thể uống được nhưng với một lượng rất nhỏ. Nhưng vì lợi nhuận, một số người sản xuất đậu phụ, đậu hủ… dùng thạch cao xây dựng thay thế cho loại thạch cao phi này, gây tổn hại đến sức khỏe con người; bởi thạch cao phi giá 70- 80 ngàn đồng/kg trong khi đó, thạch cao xây dựng chỉ 7-8 ngàn đồng/kg.
Tiến sĩ Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa kỹ thuật hóa học, đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định: “Bản thân thạch cao là chất không độc hại”. Theo đó, thạch cao có tên hóa học là cacbonat canxi (CaCO3), là chất được phép sử dụng trong thực phẩm và nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, mỹ thuật, kim hoàn… Để sử dụng trong thực phẩm, thạch cao phải trải qua quá trình tinh chế khá phức tạp, nhiều công đoạn như nung, hòa tan, kết tủa… Độ tinh khiết tối thiểu phải đạt mức 98%, nếu sử dụng thạch cao còn lẫn nhiều tạp chất sẽ gây bệnh. Ngay như quyết định số: 3742/2001 QĐ-BYT ngày 31.8.2001 của bộ Y tế về việc ban hành “Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”, CaCO3 là phụ gia thực phẩm với chức năng điều chỉnh độ acid, nhũ hóa, chống đông vón, ổn định.
Như vậy, có thể kết luận thạch cao không độc hại, cả việc ứng dụng trong xây dựng làm tường, vách ngăn và trần. Tấm thạch cao đã trở nên một loại vật liệu thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người.